1. Các thuốc trị đầy hơi chướng bụng

Đầy hơi chướng bụng do rất nhiều nguyên nhân với các biểu hiện bụng ậm ạch khó chịu, ợ hơi nhiều lần, bụng căng tức. Một trong những nguyên nhân gây đầy hơi chướng bụng là do thừa acid dạ dày. Do đó, có thể dùng một trong các thuốc sau:

- Thuốc kháng acid dạ dày: Gồm các thuốc magnesium hydroxide, calcium carbonate... được chỉ định cho bệnh nhân bị chứng khó tiêu, đầy hơi chướng bụng do thừa acid dịch vị, hỗ trợ chống đầy hơi trong dạ dày. Thuốc có tác dụng trung hòa acid trong dạ dày, từ đó giúp giảm đau, giảm cảm giác khó tiêu, đầy hơi chướng bụng và thoải mái hơn.

- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể H2: Các thuốc trong nhóm này như như ranitidin, famotidin, cimetidin, nizatidin… có tác dụng tiết chế lượng acid được tiết ra từ dạ dày; thường được chỉ định trong trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ.

Đầy hơi chướng bụng khiến bệnh nhân luôn khó chịu...

- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày, từ đó giúp giảm khó tiêu, đầy hơi chướng bụng. Một số thuốc điển hình trong nhóm này như như như omeprazole, lansoprazole...

- Thuốc điều hòa co bóp dạ dày: Có thể kể đến như metoclopramid, domperidon cisaprid... có tác dụng điều hòa nhu động ruột, giảm chướng bụng, khó tiêu nhờ cơ chế giữ ổn định tốc độ co bóp của dạ dày, giúp hệ tiêu hóa duy trì khả năng hoạt động ổn định.

- Thuốc làm xẹp bóng khí: Được dùng phổ biến như simethicone, có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của các bóng hơi trong niêm mạc ống tiêu hoá, giúp làm xẹp các bóng khí, giúp cho sự tống hơi trong ống tiêu hoá và giảm sình bụng.

Simethicone được chỉ định với trường hợp bị tích tụ hơi ở đường tiêu hóa gây ép và đầy hơi ở vùng thượng vị, chướng bụng tạm thời do chế độ ăn, chướng bụng sau phẫu thuật…

2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị đầy hơi chướng bụng

Thuốc trị chứng đầy hơi chướng bụng chỉ nên sử dụng sau khi được bác sĩ kê đơn. Không nên lạm dụng thuốc hoặc dùng không đúng liều lượng cũng như thời gian đã được hướng dẫn.

Cũng như bất kỳ các loại thuốc khác, thuốc điều trị đầy hơi chướng bụng cũng có những tác dụng không mong muốn. Do đó trong quá trình dùng thuốc, nếu xảy ra những vấn đề sức khỏe bất thường, cần thông báo cho bác sĩ điều trị để được tư vấn hướng xử trí.

Không sử dụng cà phê, thuốc lá, các loại đồ uống có gas... trong thời gian dùng thuốc vì nguy cơ các chất này làm giảm tác dụng của thuốc.

Nên uống thuốc sau ăn khoảng 1 giờ để thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất và tránh gây ảnh hưởng đến dạ dày.

Thuốc chỉ nên sử dụng từ 5 - 7 ngày. Sau thời gian đó mà bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm cần tái khám để được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp hơn.

Không lạm dụng thuốc trị đầy hơi chướng bụng vì nguy cơ tác dụng phụ.

3. Giải pháp phòng ngừa đầy hơi chướng bụng

Để tránh đầy hơi chướng bụng, cần thực hiện thường xuyên một số giải pháp cơ bản:

- Chế độ ăn: Hạn chế sử dụng một số loại thức ăn gây khó khăn cho hoạt động tiêu hóa như các loại thức ăn cứng, đồ ăn cay, nóng, dễ gây sình hơi...

- Ăn chậm nhai kỹ.

- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê; không sử dụng đồ uống có gas, nước ngọt…

- Tránh stress kéo dài, cân đối giữa công việc và nghỉ ngơi, không làm việc quá khuya. Tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời để giúp tinh thần luôn thoải mái.

- Ngủ đủ giấc cũng giúp hạn chế tình trạng tăng tiết acid dạ dày…

Mời độc giả xem thêm video:

Đầy hơi, chướng bụng và lời khuyên của thầy thuốc | SKĐS